Vết thương trầy xước do té ngã xe thường có nguy cơ nhiễm trùng rất cao vì da tiếp xúc trực tiếp với các bụi bẩn, đất cát trên đường phố. Vậy chăm sóc vết thương ngoài da, trầy xước do té ngã xe thế nào cho đúng? Cần lưu ý gì khi rửa vết thương? Bạn hãy theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra câu trả lời.
Tai nạn giao thông, té ngã xe là điều không ai mong muốn nhưng khó tránh khỏi, nhất là khi xe máy đang là phương tiện lưu thông phổ biến tại Việt Nam. Khi xảy ra tai nạn, các nạn nhân thường bị xây xát trên bất kỳ bộ phận nào như chân, tay, đầu gối, thậm chí là cả khuôn mặt. Thường những vết thương này bạn không cần phải vào bệnh viện điều trị mà có thể tự chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, không ít bệnh nhân phải đến khám vết xây xát da sau 2-4 tuần trong tình trạng đau nhức, sưng phù viêm tấy mủ, bề mặt vết thương khô đóng vảy cứng, đau đớn không đi lại được... Nguyên nhân đôi khi là do cách xử trí sai lầm ban đầu như đổ oxy già lên vết thương, rắc thuốc kháng sinh, đắp lá thuốc, bôi povidine đậm đặc... và quan niệm "để hở vết thương cho vết thương mau khô lành".
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết, thông thường sau khi bị tai nạn, có vết thương xây xát da dơ, nên xử trí theo các bước như sau:
- Mở vòi nước sinh hoạt ở nhà cho chảy liên tục lên vết thương vừa giúp giảm đau và dòng chảy nước sẽ làm trôi đất cát dơ. Có thể làm sạch tạm thời vết thương dưới dòng nước chảy bằng xà phòng tắm.
- Rửa lại vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc kết hợp với Povidine pha loãng.
- Đắp lên vết thương gạc Urgotul, hoặc các gạc sinh học. Nếu không có có thể bôi kem lên vết thương: Kem Silvirin, Vaseline, pomade Tetra...
- Sau đó băng vết thương bằng gạc vô trùng, dán băng keo (không băng quấn vết thương quá kỹ). Mục đích là tạo một lớp ẩm trên bề mặt vết xây xát da, giúp không đau, vết thương mềm mại không đóng mày khô, mau lành, hạn chế sẹo xấu.
"Chú ý nếu rửa oxy già hoặc cồn hay Povidine trực tiếp lên vết thương sẽ làm tổn thương các mô hạt, tế bào da... làm vết thương lâu lành sẹo xấu. Ngoài ra nếu để đóng mày khô, dịch viêm không thoát ra được dễ làm viêm nhiễm vết thương, nhiễm trùng nặng nề...", bác sĩ Xuân Anh nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Xuân Anh, nên thay băng ngày một lần, có thể đổ nước muối hoặc nước máy lên vết thương trước khi thay băng giúp gạc không dính vào vết thương lúc tháo băng ra. Nếu vết thương dơ, viêm đỏ nên đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng, uống kháng sinh, kháng viêm.
Trường hợp vết thương đóng mày khô không cần phải tiểu phẫu, bạn có thể tự xử lý để vết thương tróc hết mày khô và không gây đau nhức. Rửa vết thương bằng nước muối sinh lý pha Povidine ngày một lần, bôi kem Biafine hoặc Silvirin dày lên vết thương, băng kín vết thương sạch. Sau vài ngày vết thương sẽ mềm ra và tróc hết mày khô. Sau đó tiếp tục thay băng bôi kem hoặc đắp gạc Urgotul, băng vết thương lại, giữ vết thương trong môi trường ẩm sẽ mau lành và sẹo đẹp.
Tham khảo vnexpress.net
Để được tư vấn về các loại băng gạc cho vết thương và hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, hãy liên hệ ngay với chúng tôi
Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO
Nhà phân phối uy tín các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam
Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Số 2 LK9 Khu nhà ở cục cảnh sát hình sự Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0877568658 - 02437765118
Email: merinco.sales@gmail.com
Website: / meplus.vn / merinco.vn