Với mọi học sinh, thi học kỳ là giai đoạn ám ảnh bậc nhất, khiến em nào cũng sợ khóc thét. Đặc biệt, những em nào trót lười cả học kỳ thì đợt thi này lại càng là nỗi ác mộng. Nếu không chăm chỉ ôn luyện những ngày cuối thì chắc chắn điểm thi sẽ bết bát. Mà điểm thi học kỳ lại là hệ số 3, ảnh hưởng quan trọng đến kết quả cả kỳ nói riêng và cả năm nói chung. Nếu không may điểm thấp thì sẽ kéo kết quả cả năm đi xuống. Ngược lại điểm thi học kỳ cao thì thành tích cả năm cũng tốt hơn.
Dẫu biết học là nghĩa vụ và quyền lợi nhưng cứ đến gần kỳ thi, hội "nhất quỷ nhì ma" lại không khỏi kêu than, ai oán: "Tại sao lại phải thi nhỉ?', "Cứ học thôi không được sao?", "Ai đã nghĩ ra chuyện thi cử này vậy?",... Và lúc này, một cái tên lại bị lôi ra để hội học sinh khóc lóc "cà khịa", trách móc trên mọi mặt trận!
Thi học kỳ là một trong những kỳ thi quan trọng nhất năm học. (Ảnh minh họa)
Cho những ai chưa biết thì Henry Fischel - một Nhà từ thiện và một Doanh nhân người Pháp, sống vào thế kỷ 19 được xem là người phát minh ra thi học kỳ. Ông đã tạo ra các kỳ thi để chỉ ra kiến thức tổng thể của học sinh trong các môn học và kiểm tra khả năng sử dụng kiến thức của họ.
Henry Fischel từng đi du lịch đến Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Ý tưởng của ông về các kỳ thi tập trung vào hai khía cạnh chính; kiểm tra yếu tố bên ngoài và bên trong. Ông cho rằng những đánh giá này sẽ kiểm tra mức độ quen thuộc của học sinh với những gì họ đã được dạy. Henry là một trong những người đầu tiên có triết lý về thi cử. Triết lý của ông đã định hình nên lịch sử.
Henry Fischel.
Tuy nhiên, những năm gần đây, một số nguồn tài liệu lại cho rằng, Henry Fischel, một người cùng tên nhưng sống đầu thế kỷ 20 (20/11/1913 - 20/3/2008) mới là người phát minh ra thi học kì. Ông Fischel này là một giáo sư người Mỹ gốc Đức, giảng dạy bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Cận đông tại Đại học Indiana.
Không rõ Henry Fischel thế kỷ 19 hay thế kỷ 20 mới chính xác là người đã phát minh ra kỳ thi nhưng hiện tại, kỳ thi này đã trở thành một phần tất yếu trong công cuộc học hành của học sinh tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Được biết, quốc gia đầu tiên thực hiện một kỳ thi tiêu chuẩn hóa trên toàn quốc là Trung Quốc cổ đại. Được gọi là kỳ thi hoàng gia, được thiết lập bởi triều đại nhà Tùy vào năm 605 sau Công nguyên, với mục đích lựa chọn các ứng cử viên có khả năng cho các vị trí chính trị cụ thể.
Tại nước Anh hệ thống thi cử này được áp dụng vào năm 1806 cho Công chức của nhà Vua, và sau đó được áp dụng cho giáo dục, dần dần ảnh hưởng đến các khu vực khác trên thế giới.
Trong xã hội hiện đại, các kỳ thi đã phát triển thành nhiều cách đánh giá khác nhau như câu hỏi trắc nghiệm, bài luận, bài kiểm tra tính cách, bài nghiên cứu và bài thi học kỳ. Trong một số tình huống, học sinh được kiểm tra với sự kết hợp của nhiều loại đánh giá khác nhau.